Nghệ nhân tranh kính Bùi Thị Thanh Hải: Từ viên than nhỏ vẽ lên những ước mơ

https://hiephoilaodongsangtao.vn/hoi-vien/hoi-vien/nghe-nhan-tranh-kinh-bui-thi-thanh-hai-tu-vien-than-nho-ve-len-nhung-uoc-mo-75.html

Ngay từ khi còn nhỏ, nghệ nhân Bùi Thị Thanh Hải, sinh năm 1988, quê ở huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội đã có niềm đam mê vẽ tranh. Chị kể: “Đang làm gì, ở đâu hay có khi ngồi nấu cơm, đun nước, thấy vật dụng có thể vẽ được là tôi ngồi… vẽ”. Chính từ những viên than nhỏ đơn sơ năm nào, đến nay Bùi Thị Thanh Hải đã góp công sức nhỏ bé của mình tạo lên thương hiệu Vinhcoba.

Xã Bình Minh của Thanh Hải vào thời điểm những năm 1995 cũng như một số làng nghề làm pháo của huyện Thanh Oai buộc phải giải nghề để chuyển đổi. Khi đó, bố mẹ chị Hải tuổi cao, sức yếu không đủ sức khỏe để lo cho gia đình nên chị em Hải dù nhỏ tuổi vẫn phải nghỉ học sớm để phụ bố mẹ mưu sinh.

Đến năm 2003, chị cả Bùi Thị Hải Hà (chị gái của Bùi Thị Thanh Hải) lên Thị xã Hà Đông làm tranh kính và từ đó mở ra một hướng đi mới. Thấy chị bước đầu có thu nhập nên Thanh Hải cùng em trai cũng theo chị Hà lên học thầy Vinhcoba làm tranh kính. Chỉ sau vài năm, ba chị em vừa học, vừa chăm chỉ làm việc nên cuộc sống của gia đình dần dần được cải thiện và ổn định.

Không lâu sau, Thanh Hải lập gia đình với mong ước bạn đời sẽ đồng hành cùng mình với nghề kính. Tuy nhiên, những bất đồng về quan điểm đã khiến hai người chia tay sau một thời gian chung sống. Tiếp đó, bố của Thanh Hải lại đột ngột mất nên khiến chị rơi vào trạn thái hoang mang. Thanh Hải tâm sự: “Người bố kính yêu ra đi ngay sau khi hạnh phúc tan vỡ khiến nỗi đau của tôi nhân lên gấp bội. Mất mát cùng những ám ảnh khiến tôi cảm thấy phía trước chỉ là bóng tối bao phủ. Tôi đã tìm đến cửa Phật để tĩnh tâm và mong tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống”.

Chính thời gian này Thanh Hải được tiếp cận với giáo lý và rất ấn tượng với các biểu tượng Phật giáo, từ đó chị đã phát nguyện thiết kế, phục dựng các biểu tượng Phật giáo lên chất liệu kính siêu bền.

Bàn tay tài hoa của nghệ nhân Bùi Thị Thanh Hải cùng các nghệ nhân đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cho cộng đồng.

Dưới bàn tay lao động miệt mài và sự sáng tạo không ngừng nghỉ của Thanh Hải, nhiều bộ tranh kính đã ra đời, như: bộ tranh Mandala, Thangka, các hình Quan thế âm, Bát bộ kim cương, Tứ đại Thiên vương, Bát cát tường, các pháp khí, pháp bảo… của nhà phật. Rồi bộ 12 con giáp, bộ hoa văn vốn cổ dân tộc, tranh ánh sáng tượng phật giáo Chămpa… đã ra đời. Trong các công việc tạo hình nghệ thuật kiến trúc hiện đại, khó nhất là tạo hình trên các khối cong, bán cầu nhưng cũng không làm khó được Thanh Hải.

Năm 2016, Thanh Hải gặp được người bạn đời biết yêu thương và chắp cánh cho những ước mơ của chị. Được người thầy là Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hồng Vinh và Nghệ nhân Bùi Thị Hải Hà luôn động viên tận tình chỉ dạy nên chị ngày càng nâng cao tay nghề và cho ra đời rất nhiều tạo hình tôn giáo khác có giá trị kinh tế và thẩm mỹ cao.

Nhiều tác phẩm của Thanh Hải đạt được những giải thưởng như giải D cho tác phẩm “Tranh Điện Điêu Khắc Thần Sarasvati – Chăm Pa” do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam trao tặng năm 2023, hay góp sức sáng tạo trong công trình nhà hàng Nhật Bản “Crystal Restaurant” đạt giải to 10 Interior Design Awards, bộ tranh phố cổ Hà Nội tại khách sạn Hàng Bông…

Nghệ nhân Bùi Thị Thanh Hải vinh dự được Nguyên Phó Chủ tịch nước trao tặng Bằng khen

của Hiệp hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam.

Nhận xét về Nghệ nhân Bùi Thị Thanh Hải, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hồng Vinh cho biết: “Nghệ nhân Bùi Thị Thanh Hải luôn lao động với tâm thế đam mê và cống hiến, không chỉ tận tâm, tận lực mà điều quan trọng là tính sáng tạo trong từng việc làm”.

Khi nói về nghề, Nghệ nhân Bùi Thị Thanh Hải cho rằng: “Làm nghề luôn phải có nguyên tắc, mỗi sản phẩm sáng tạo ra dù đẹp hay chưa đẹp đều phải đặt cái tâm của mình vào đó, và không được quên đi giá trị cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp. Không thể vì khách hàng yêu cầu làm số lượng nhiều, giá thành thấp mà chấp nhận bằng mọi giá. Người làm nghề  nếu không giữ được nguyên tắc thì không thể phát triển lâu dài”.

Cho đến nay, sau gần 20 năm gắn bó với nghề, nhiều giai đoạn tranh kính nghệ thuật cũng rơi vào vòng xoáy thăng trầm của nền kinh tế thị trường, tưởng chừng phải bỏ cuộc nhưng với ý trí và khát vọng yêu nghề đã đưa Thanh Hải trở thành nhà thiết mỹ thuật tạo hình trong tranh kính nghệ thuật Vinhcoba. Là một trong bộ “tứ trụ” cốt lõi tạo nên các tác phẩm kính nghệ thuật mang bản sắc văn hóa thuần Việt. Nghệ nhân Thanh Hải còn là thành viên nhóm sáng chế Vật liệu kính nghệ thuật nổi tiếng của nghề Kính nghệ thuật Vinhcoba, được Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam bảo trợ.

Từ những đóng góp không mệt mỏi, Nghệ nhân Bùi Thị Thanh Hải – họa sĩ tạo hình và thiết kế mẫu sản phẩm kính nghệ thuật luôn được nhiều khách hàng ưa chuộng góp phần thúc đẩy thương hiệu Vinhcoba lớn mạnh. Trong những năm 2020-2022, Thanh Hải được Hội làng nghề Việt Nam tặng Bằng khen cho những đóng góp cống hiến của mình với tranh kính khắc và thủ công mỹ nghệ. Năm 2024, nghệ nhân Bùi Thị Thanh Hải nhận được Bằng khen của Hiệp Hội những người Lao động Sáng tạo Việt Nam trong việc không ngừng sáng tạo, đổi mới và áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là tranh kính khắc với xây dựng trang trí nội, ngoại thất.

Cho đến thời điểm hiện tại, mỗi sản phẩm  kính nghệ thuật Vinhcoba ra đời đều mang dấu ấn của nghệ nhân tạo hình thiết kế mỹ thuật Bùi Thị Thanh Hải. Với tinh thần tiếp nối sáng tạo, gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc trong từng tác phẩm, đồng thời truyền lại cho các thế hệ kế tiếp niềm say mê lao động, sáng tạo.

nguồn bài viết copy: https://hiephoilaodongsangtao.vn/

#nghenhanbuithithanhhai #bùi_thị_thanh_hải #nghệ_nhân #tranh_kính #viên_than_nhỏ #hiệp_hội_lao_động_sáng_tạo_việt_nam #tranh_nhà_thờ #tranh_công_giáo