Tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người Kinh kỳ xưa.
Sở dĩ gọi “tranh Hàng Trống” là vì loại tranh này được sản xuất tập trung ở Phố Hàng Trống, Hà Nội. Tuy vậy, tranh Hàng Trống cũng được làm ở các phố Hàng Nón, Hàng Hòm, Hàng Quạt (Hà Nội), đồng thời bày bán ở các phố ấy, nhưng tập trung làm và bán nhiều nhất vẫn ở Hàng Trống. Đây là một khu vực nổi tiếng về nhiều nghề thủ công mỹ nghệ như tranh dân gian, các loại trống các cỡ, tàn, lọng, tán, mũ mãng, áo xiêm, cờ, quạt, các loại hòm, tráp sơn, các kiểu nón… Người ta làm và bán các hàng thủ công ấy quanh năm, nhiều hơn cả là dịp Tết Nguyên đán, phần lớn bán trong các cửa hiệu. Riêng tranh dân gian, ngoài các cửa hiệu, người ta còn bầy bán từng quầy trên hè phố, nhất là vào dịp cuối năm, để tiện phục vụ khách hàng sắm Tết.
Tranh dân gian Hàng Trống ra đời tại Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ 14, là kết quả giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo và Nho giáo, được các nhà nghiên cứu đánh giá không chỉ mang đậm tính thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, mà còn mang đậm yếu tố văn hóa, thời đại mà nó sinh ra.
Thời kỳ được cho là hoàng kim của dòng tranh này là vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Khi đó, tranh Hàng Trống được bán ở khắp các khu vực Hàng Bồ, Hàng Nón, Hàng Trống. Những người làm tranh thường là tầng lớp trí thức, nghệ nhân; tập trung chủ yếu tại phố Hàng Nón, Hàng Trống… của Hà Nội xưa.
Một số dòng tranh dân gian ở thôn quê cũng từng làm những tranh thuần túy để cho nông dân thưởng lãm như Đông Hồ và Kim Hoàng, nhưng đa số tờ tranh này cỡ nhỏ, hợp với nhà tranh, vách đất, mái nhà thấp nên ánh sáng yếu. Ngược lại, tranh Hàng Trống là loại hình tranh dân gian đích xác của phố thị: kích thước của tranh Hàng Trống là lớn nhất trong các dòng tranh dân gian, in trên nền giấy sáng nên nổi bật các sắc độ vờn màu phẩm tinh tế, có thể treo trong phòng khách của thị dân như một cách chơi nghệ thuật của chủ nhân và cũng là để khoe trình độ thưởng lãm nho nhã bậc cao. Nếu như trước kia tranh dân gian của các làng quê chỉ đơn thuần dán lên vách nhà thì tranh Hàng Trống còn được bồi thêm cả bo trên dưới rồi được cầu kỳ lồng hai trục tròn để tiện treo cho sang trọng. (Gia Hưng, 2020)
Tranh Hàng Trống có kỹ thuật và phong cách khác biệt tranh Đông Hồ trên đất Kinh Bắc. Nếu như ở tranh Đông Hồ việc in viền nét và in màu đều dùng bản khắc gỗ, thì ở tranh Hàng Trống việc in tranh chỉ dùng ván khắc gỗ in nét tranh trên chất liệu giấy dó
Điều đặc biệt của tranh Hàng Trống là dùng kỹ thuật nửa in, nửa vẽ. Mỗi bức tranh chỉ có duy nhất một ván khắc, tạo thành xương cốt của bức tranh. Sau khi đã có được bản in nét đen hoàn chỉnh thì người vẽ dùng bút lông chấm màu để tô lên từng mảng màu đậm nhạt, tùy theo bố cục và đường nét.
Cách tô màu của tranh Hàng Trống cũng hết sức đặc biệt. Một nửa ngọn bút chấm màu, còn nửa ngọn bút kia chấm nước, khiến cho nét bút khi đặt xuống mặt giấy có hai sắc độ đậm nhạt khác nhau. Đó chính là kỹ thuật “vờn màu” (thuật ngữ dân gian còn gọi là “cản màu”). Nhờ đó mà trong tranh có những rìa và mảng với sắc độ thay đổi dần từ đậm đến nhạt trông đặc sắc mà các dòng tranh khác không làm được. Trong nghệ thuật dân gian, tranh Hàng Trống và nghệ thuật điêu khắc đình làng có một điểm chung rất rõ nét. Nếu như điêu khắc dùng chạm nổi và xoáy chìm để tạo chiều sâu, thì tranh Hàng Trống bằng kỹ thuật “vờn màu” nêu bật được độ nông sâu của hình khối. Điều đó khiến cho tranh Hàng Trống kiêu hãnh mang trong mình sự khác biệt khó có thể sao chép.
Tiếp sau đó đến công đoạn bồi tranh, là khâu quan trọng trong quá trình hình thành một tác phẩm. Sự thành công và lâu bền của tác phẩm phụ thuộc vào công đoạn này, là sự truyền đạt kinh nghiệm tích lũy, khéo léo của những nghệ nhân đời trước để lại cho đời sau.
Tranh Hàng Trống thường được vẽ trên giấy dó và giấy xuyến chỉ. Giấy dó là loại giấy được sản xuất từ vỏ những cây dó (như dó giấy, dó liệt…) theo quy trình thủ công của một số làng nghề ở Việt Nam. Giấy dó được dùng cho vẽ tranh trong mỹ thuật dân gian Việt Nam, hay lưu giữ các tài liệu, có ưu điểm nổi bật nhất là độ bền theo thời gian. Xuyến là loại lụa mỏng, mịn màng, chỉ là giấy. Xuyến chỉ là loại giấy mỏng, mịn trắng như lụa của Trung Quốc sản xuất.
Màu sắc sử dụng trong tranh Hàng Trống là phẩm màu tự nhiên. Màu sắc của tranh tạo được ấn tượng vô cùng phong phú và rực rỡ khi sử dụng 6 màu chính: xanh da trời, hồng, đỏ điều, cam, vàng, xanh lá cây với các sắc độ khác nhau. Các màu này được vận dụng, kết hợp tài tình với hệ thống nét đen vẽ từ mực Tàu khiến cho các tác phẩm tranh Hàng Trống vô cùng rực rỡ, cuốn hút nhưng cũng không kém phần tao nhã, tinh tế. Ngoài ra, những chi tiết cần được nhấn mạnh trong tranh thờ còn được điểm thêm bằng ngân nhũ (bạc), kim nhũ (vàng) và phấn trắng (được tán mịn từ thạch cao).
nguồn copy:tamdiepvlog