Cùng VinGlass mỗi ngày tìm hiểu một loại hình tranh của Việt Nam nhé!

Ngày đầu tiên chúng mình cùng tìm hiểu về tranh dân gian Đông Hồ nhé!

Tranh Đông Hồ

Tranh Đông Hồ, tức tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ Làng Đông Hồ thuộc Xã Song Hồ, Huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Nơi đây cách Hà Nội chừng trên 25 km. Làng Đông Hồ (đôi khi dân địa phương chỉ gọi là làng Hồ) nằm trên bờ nam Sông Đuống, cạnh Cầu Hồ.

Từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1944 là thời kỳ cực thịnh của dòng tranh Đông Hồ. Thời đó, để chuẩn bị tranh bán Tết, khắp Làng Đông Hồ rực rỡ sắc màu của giấy điệp, không một mảnh đất trống nào không được người dân tận dụng để phơi giấy, người ta vừa làm tranh vừa sống trong không khí lễ hội. Tranh Đông Hồ được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, mua tranh mới để trang hoàng nhà cửa tạo vẻ tươi tranh mới.

Công đoạn

Quy trình làm tranh Đông Hồ trải qua 4 công đoạn.

1/ Sáng tác mẫu và tạo bản khắc gỗ. Đây là công đoạn tạo hình và đường nét của tranh, đòi hỏi nghệ nhân có đầu óc mỹ thuật cao và tỉ mỉ trong từng nét khắc. Dụng cụ khắc ván là những mũi đục hay còn được gọi là bộ ve, được làm bằng thép cứng. Mỗi bộ ve có khoảng 30-40 chiếc.

2/ Làm giấy. Người ta phơi vỏ sò điệp (một loại sò vỏ mỏng ở biển) rồi ngâm nước, sau đó giã nhuyễn, ép cho kiệt nước, lại phơi khô rồi trộn với hồ để quét lên giấy dó làm nền tranh. Loại hồ này được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn. Còn có loại hồ dùng để dán thường được nấu từ bột nếp. Người ta dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những vạch mịn chạy theo đường quét và mảnh điệp nhỏ vỏ sò điệp cho màu trắng với ánh lấp lánh dưới ánh sáng. Cũng có thể pha thêm màu khác vào hồ trong quá trình làm giấy điệp tạo thành nền màu vàng, màu nâu-cam….

3/ Làm màu. Màu sắc trong tranh Đông Hồ truyền thống là màu thiên nhiên:

  • màu đen từ than gỗ xoan, rơm nếp hay than lá tre được ngâm kỹ trong chum vại vài tháng rồi mới dùng;
  • màu lục từ gỉ đồng hay lá tràm, thường thể hiện trong tranh thành màu rêu;
  • màu vàng từ hoa dành dành, hoa hòe;
  • màu đỏ từ gỗ vang và sỏi son, thường thể hiện trong tranh thành đỏ-nâu;
  • màu trắng từ vỏ sò điệp.

Những chất màu thô này được trộn với nhau và hoà với một lượng bột nếp trước khi in để tạo một lớp hồ, làm cho giấy tranh cứng hơn sau khi phơi khô.

4/ In tranh. Tranh được in hoàn toàn bằng bản khắc gỗ mà không dùng bút để vẽ hay tô màu. Ván khắc in tranh có hai loại: ván in nét và ván in màu. Ván in nét thường được làm từ gỗ thị hoặc gỗ thừng mực. Gỗ thị có thớ đa chiều, vừa mềm, dễ khắc. Ván in nét cũng có thể được làm bằng gỗ mỡ bởi vì khi phết màu lên để in tranh, gỗ mỡ có khả năng giữ màu cao hơn nhiều loại gỗ khác.

Khi in, người ta dùng ván đã phết màu in lên giấy điệp. Mỗi lần in 1 màu, cho nên nếu tranh có 5 màu thì phải in 5 lần. Mỗi người phụ trách in một màu, in xong thì chuyển bản giấy cho người kế tiếp để in màu khác. Bản khắc có dấu vết đặc biệt nhằm đảm bảo các lần in cho hình ảnh trùng khớp với nhau.

Hình bên: Một khuôn khắc gỗ được dùng để in ra nhiều bản có hình ảnh phản chiếu với khuôn. Chủ nhân bản in có thể giữa mực in từ khuôn hoặc tô màu lại theo cách mình thích.

Giấy Đó:

Giấy dó là loại giấy được sản xuất theo quy trình thủ công được truyền lại qua nhiều thế hệ. Nguyên liệu chủ yếu của giấy dó vùng Kinh Bắc và Hà Nội là vỏ của cây dó giấy. Một số nơi khác còn dùng vỏ của cây dướng hoặc cây dó liệt.

Dó giấy (tên khoa học Rhamnoneuron balansae) là một loài cây bụi hay cây nhỡ, cao 2-4 m, đôi khi tới 10 m, đường kính thân ≤ 20cm. Cành nhỏ thanh mảnh, cành non phủ đầy lông. Lá mọc cách, phiến hình trứng thuôn, dài 10-20 cm, rộng 3-3,5 cm, tròn, thót nhọn ở đầu, mỏng, nhẵn ở mặt trên có lông ngắn và nằm ở mặt dưới, có 20-25 đôi gân, bậc hai gần như song song; cuống lá dài 3-4 mm, có lông và có cánh. Dó giấy là loài bản địa ở miền bắc Việt Nam (các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Lạng Sơn, Hà Nội, Hòa Bình, Quảng Ninh), được trồng ở vài nơi khác.

Trong phương pháp thủ công, vỏ cây dó được nấu và ngâm trong nước vôi ba tháng. Sau đó nghệ nhân bóc bỏ lớp vỏ đen, giã phần còn lại bằng cối và chày rồi dùng chất nhầy từ cây mò để tạo hỗn hợp kết dính. Khi xeo giấy, người thợ dùng liềm xeo (khuôn có mành trúc hay dây đồng ken dày) chao đi chao lại trong bể bột dó. Lớp bột dó trên liềm tạo nên tờ giấy dó. Sau cùng là phơi hoặc sấy.

Các công cụ sản xuất hầu như bằng tre, gỗ và dùng ánh sáng tự nhiên để làm khô giấy. Giấy dó được sản xuất theo quy trình này không có độ axít, dẫn đến tuổi thọ cao. Một số tài liệu cho rằng giấy dó có độ tuổi thọ tới 500 năm.

Giấy dó có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhòe khi viết vẽ, ít bị mối mọt, ít giòn gẫy, ẩm nát.  Đặc tính xốp, nhẹ là do nguyên liệu, cách chế biến, xử lý nguyên liệu. Giấy dó có cấu trúc dạng sợi, các xơ sợi li ti cố kết với nhau tựa mạng nhện, nhiều lớp, không theo thứ tự sợi ngang, dọc như tấm lụa dệt, mà theo dạng chuyển động brown, đa chiều. Sự kết mạng như vậy làm cho tờ giấy xốp. Vì xốp nên giấy rất nhẹ: giấy dó có trọng lượng riêng bằng khoảng một nửa các loại giấy sản xuất trong công nghiệp.

nguồn copy:tamdiepblog