Bên cạnh những giá trị triết lý trong nội dung tranh dân gian, một đặc trưng nổi bật thể hiện tư duy cảm thụ của người Việt, phản ánh qua các thời kỳ phát triển của nền Mỹ thuật Việt Nam, đó là nghệ thuật trang trí phục vụ đời sống dân sinh của dòng tranh dân gian.
Trong số các dòng tranh tiêu biểu của nước ta, tranh Kiếng Nam Bộ là sản phẩm thủ công in đậm tính mỹ thuật, thẩm thấu đời sống, văn hóa của người dân Nam Bộ. Tranh Kiếng Nam Bộ đã xuất hiện trong cung đình Huế từ thời Nguyễn (triều Minh Mạng, Thiệu Trị). Những năm 1920 nghề làm tranh Kiếng từng rất được ưu chuộng tại khu vực miền Trung, sau đó cùng với các ngành nghề thủ công mỹ nghệ khác, tranh Kiếng đã có những bước phát triển vượt bậc.
Khoảng năm 1940-1950, dòng tranh này có mặt tại khắp lục tỉnh Nam kỳ và nhiều vùng miền cả nước. Trong hơn một thế kỷ phát triển loại hình nghệ thuật này đã hình thành nhiều dòng tranh nổi tiếng với phong cách và đặc điểm riêng biệt, tiêu biểu là các dòng tranh Kiếng Khơ Me – Nam bộ (tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng), dòng tranh Lái Thiêu (Thủ Dầu Một – Bình Dương), dòng tranh Chợ Lớn (Sài Gòn).
Tranh Kiếng Nam Bộ trở thành một sản phẩm không thể thiếu trong không gian sống của người dân Nam bộ, việc treo tranh Kiếng trong nhà đã hình thành nét văn hóa tao nhã của người dân nơi đây. Tranh Kiếng có nhiều chủng loại đa dạng: Tranh thờ tổ tiên, tranh Thần, Phật, tranh chúc tụng, tranh cảnh vật trang trí nội thất…. Ở đó có loại vẽ thuần bằng sơn màu đa sắc (thêm ngân nhũ và kim nhũ) hoặc kết hợp với kỹ thuật tráng thủy, độc đáo nhất là tranh Kiếng gắn ốc xà cừ. Tranh Kiếng đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và mỹ thuật của công chúng khắp các thôn xã từ miền Đông Nam bộ đến miền Tây Nam bộ và trở thành loại hình nghệ thuật dân gian phát triển cùng một giai đoạn lịch sử của đất nước.
nguồn copy:dangcoongsan.vn
#tranh kiếng nam bộ #tranh kiếng #tranh dân gian #tranh vẽ trên kiếng
#vinglass #nghệ nhân